Cô nàng bảo tàng Hana: Bảo tàng quốc gia Chao Sam Phraya & Bảo tàng con đường Địa ngục & Bảo tàng chiến tranh JEATH

 

Tên bảo tàng: Bảo tàng quốc gia Chao Sam Phraya (Chao Sam Phraya National Museum)
Địa điểm:
Pratuchai, Phra Nakhon Si Ayutthaya, tỉnh Ayutthaya
Giờ mở cửa: 9:00AM – 4:00PM, hàng ngày
Giá vé: 150 Baht

 

.Cô nàng bảo tàng Hana 30

 

Với suy nghĩ khi đến bất cứ thành phố nào cũng sẽ phải đến ít nhất một bảo tàng của thành phố đó, mình đã chọn bảo tàng này ở Ayutthaya. Nó nằm trên trục đường dẫn đến những tàn tích đền chùa nổi tiếng của tỉnh này. Hôm đấy trời nắng như đổ lửa. Hai bên đường những cây hoa Dok Khun nở rực rỡ (loại hoa màu vàng, mọc thành từng chùm rủ xuống, người Thái yêu mến gọi tên là “Hoa của đức vua”). Trời xanh ngắt và dòng sông bên đường lấp lánh ánh nắng. Cái xe máy thuê từ nhà nghỉ đi cũng đằm đấy, mỗi tội mỗi lần khởi động phải đạp hộc hơi. Bạn Karl chủ nhà bảo, không sao đâu, mày cứ đạp đi, sẽ quen nhanh thôi (nhưng mình vẫn nhìn thấy ánh mắt ái ngại của nó lúc nhìn mình hùng hục nổ máy).

 

Bảo tàng này có hẳn một khuôn viên xanh mát, một cái hồ con con và vài bức tượng Khmer, hai khu trưng bày riêng biệt. Thời điểm mình đến thì bảo tàng đang có hai phòng triển lãm đặc biệt, giới thiệu những hiện vật khảo cổ quý hiếm, được dát vàng, tìm thấy ở hai ngôi chùa nổi tiếng Wat Maharat và Wat Racha Burana. Phải nói là mình bị ấn tượng mạnh mẽ với hai phòng triển lãm này. Nó nhỏ thôi nhưng được bài trí cực kì tinh tế. Trong phòng không cho phép chụp ảnh nên mình đành kể dài dòng vậy.

Sàn của phòng được trải thảm nhung màu đỏ. Người ta còn đốt mùi trầm hương, thơm ma mị và dễ chịu lắm. Các hiện vật được cẩn thận bày trong tủ kính, có máy kiểm soát độ ẩm, được đánh số theo dõi và ghi chú thuyết minh song ngữ Thái – Anh. Có vài hiện vật đã cho Bảo tàng quốc gia của Nhật Bản mượn đến tháng 9 năm nay.

Phía bên ngoài của bảo tàng thì trưng bày những bức tượng Phật giáo và Hindu giáo ở thời Ayutthaya, vẫn là những tư thế và truyền thuyết quen thuộc trong đạo Phật – đức Phật ngồi thiền hoa sen, đức Phật giảng đạo, đức Phật hoà giải những tranh chấp và ngăn lũ lụt, đức Phật được con rắn Naga 6 đầu che chở, vv

Rất tiếc là hai phòng triển lãm trên tầng 2 không cho phép chụp ảnh.

 

 

 


 

Tên bảo tàng: Bảo tàng con đường Địa ngục (Hell Fire Pass Museum)
Địa điểm: Tha Sao, Quận Sai Yok, Tỉnh Kanchanaburi (nằm trên con đường đi tới Sangkhlaburi, tuyến xe bus số 8203)
Giờ mở cửa: 9:00AM – 4:00PM, hàng ngày
Giá vé: Miễn phí

 

Bảo tàng là một phần của Hell Fire Pass (Con đường địa ngục – Đường ray chết chóc), nơi gần 60,000 tù nhân của các nước phương Tây đã chết khi xây đường ray xe lửa nối Thái Lan với Myanmar – một dự án do phát xít Nhật lập ra. Hôm mình đến thì thật tiếc, (lại là) do lễ Songkran nên bảo tàng đóng cửa. May cái là con đường thực địa thì vẫn được vào thăm quan thoải mái. Có một chuyện liên quan đến bảo tàng này như thế này, khi mình ghé hiệu sách bán toàn sách tiếng Anh ở trung tâm Kanchanaburi, bác chủ người Úc có trò chuyện với mình. Biết mình thích đi bảo tàng, và nghe mình kể sự tệ hại của cái bảo tàng chiến tranh JEATH, bác có gợi ý mình nên đến bảo tàng ở Hell Fire Pass. Bác bảo, ở đó người ta trưng bày những bức thư tù nhân gửi cho gia đình, cảm động lắm. Và nơi đó thực sự đã làm rất tốt nhiệm vụ nhắc nhở những thế hệ sau sự khủng khiếp của chiến tranh. Thật tiếc là mình đã lỡ mất bảo tàng này.

Ở bên cạnh bảo tàng chính là con đường Hell Fire Pass khét tiếng. Khi đi trên con đường này, dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi có cắm bảng đánh dấu số, tương ứng với số trong đoạn băng được phát ở bảo tàng. Đường đi thì nhiều sỏi đá, gập ghềnh và nhiều muỗi dĩn lắm. Mình thấy đi khoảng 1km quay lại là vừa. Phải nói là, bình thường đi dạo chơi chơi như vậy mà đã nóng điên người, mồ hôi chảy ra như suối, thì không biết ngày xưa các tù nhân phải đập đá, làm đường ray xe lửa, phải khổ như thế nào.

 

 

 


 

Tên bảo tàng: Bảo tàng chiến tranh JEATH (JEATH War Museum)
Địa điểm: Ở cạnh Wat Chai Chumphon, Ban Tai, tỉnh Kanchanaburi
Giá vé: 50 Baht

 

Bảo tàng siêu tệ hại! Mọi thứ đều trong tình trạng xuống cấp, làm cho có.  À thực ra cái bảo tàng này khiến mình nhớ tới Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh ở Sài Gòn – chắc do đều về chiến tranh, đều hết sức tệ, và trưng bày ảnh chất lượng thấp. Công bằng mà nói thì bảo tàng ở VN còn được tầng trên cùng, có những bức ảnh khá cảm động do những nhà báo nước ngoài chụp thời xưa. Túm lại, cực lực khuyên mọi người tránh xa chỗ này khi đến Kan. Ở Kan không thiếu chỗ chơi, chỗ xem, nên đừng phí tiền và thời gian vào cái bảo tàng này nhé!


Leave a comment